Bột gạo nếp có chất amylopectin có khả năng kết dính. Khiến cho các loại bánh được làm từ bột gạo nếp sẽ có độ dẻo, dai và màu trắng tự nhiên. Các loại bánh làm từ bột gạo nếp rất đa dạng, phong phú từ những món bánh truyền thống tới những món bánh hiện đại, hấp dẫn. Mytop.vn sẽ giới thiệu cho bạn top 5 loại bánh ngon nhất làm từ bột gạo nếp cùng với cách làm nhé!
1- Bánh giầy (bánh dày)
Bánh dày là loại bánh quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà không ai trong chúng ta có thể quên đi hương vị của loại bánh này.
Nguyên liệu: Bột nếp: 200g, bột gạo: 20g, sữa tươi không đường: 200ml, giò lụa: 200g, lá chuối.
Cách làm:
Sử dụng một âu, rây 2 loại bột thật mịn và trộn đều. Đối với cách làm bánh dày từ xôi nếp thì chỉ dùng riêng gạo nếp thôi chứ không dùng gạo tẻ . Dùng sữa tươi đổ vào trong âu và trộn đều. Nếu không có thì có thể sử dụng nước lọc cũng được. Dùng phới dẹt trộn đều rồi dùng tay nhồi mạnh cho tới khi được một hỗn hợp bột trắng rắn không dính tay.
Rửa sạch và lau khô lá chuối. Cắt lá chuối thành những hình vuông bằng nhau rồi thoa lên lá chuối một lớp dầu ăn . Lấy một ít bột viên ra tay rồi đè dẹt, dặt trên lá chuối. Cho bánh vào và hấp tầm 7- 10 phút tùy vào độ dày của bánh là bánh sẽ chín. Bánh khi mới ra lò thường mềm hơi nhũn và chảy; phải để cho bánh nguội hoàn toàn thì chất bánh sẽ săn dai ăn rất ngon. Cắt giò thành từng khoanh tròn dày khoảng 1cm rồi đặt giữa 2 lớp bánh dày rồi thưởng thức thôi nào.
2- Bánh trôi
Bánh trôi là món bánh truyền thống của miền Bắc Việt Nam trong ngày 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm hay còn gọi là tết Hàn Thực
Nguyên liệu: Bột nếp: 500g ,bột gạo tẻ: 50g, dừa nạo, đường phèn, vừng trắng, muối.
Cách làm:
Tiến hành trộn bột tẻ với bột nếp theo tỷ lệ 1:4. Cho nước và ít muối vào hỗn hợp bột, trộn đều đến khi nào bột dẻo thành khối, mềm, không bị rơi vụn ra, không bị dính tay khi trộn. Cuối cùng bọc bột lại rồi ủ trong 30 phút. Cắt đường phèn thành những miếng nhỏ sao cho vừa với bánh.
Lấy từng phần bột bánh đã ủ một rồi xoa thành hình tròn. Dùng ngón tay ấn vào giữa viên bột rồi đặt vào nhân đường. Sau đó, vê viên bột lại thật kín để bao lấy hết phần đường.Tiếp tục làm như vậy cho đến khi hết bột và nhân. Xếp bánh trôi đã nặn ra đĩa.
Đun một nồi nước sôi vừa đủ với lượng bánh muốn nấu. Khi nước sôi thả bánh vào. Đến khi nước sôi trở lại thì hạ nhỏ lửa.
Tiếp tục đun cho đến khi bánh nổi lên, vỏ bánh trong là bánh đã chín, để khoảng 15 giây rồi vớt ra, thả vào nồi nước đun sôi để nguội. Lưu ý: Không nên luộc bánh lâu quá dễ làm nát bánh. Dùng muôi có lỗ vớt bánh ra đĩa. Rắc vừng, dừa nạo sợi lên trên bánh rồi thưởng thức.
3- Bánh đúc
Bánh đúc mặn được mọi người yêu thích bởi mùi vị thơm béo của nước cốt dừa quyện với nhân tôm thịt ngon ngọt. Kết hợp nước chấm chua cay sẽ tạo ra một trải nghiệm tuyệt vời cho người thưởng thức.
Nguyên liệu: 250g bột nếp, 40g bột năng, 1/2 muỗng cà phê muối, 300ml nước cốt dừa, 400ml nước, 150g thịt xay nhuyễn, 100g tôm khô, 50g nấm mèo, 1 củ hành tím. 1 củ tỏi, đường, hạt nêm, nước mắm, chanh, 1 trái ớt.
Cách làm:
Cho 250g bột nếp+ 40g bột năng + 300ml nước cốt dừa + 400ml nước vào tô khuấy đều cho hỗn hợp hòa tan. Để bột nghỉ khoảng 20 phút. Chuẩn bị khay để hấp bánh, trên khay bánh thoa đều một lớp dầu để chúng ta dễ dàng lấy bánh ra khi bánh chín. Sau đó cho vào khay một lớp bột với độ dày khoảng 1cm, cho khay vào nồi hấp khoảng 7-8 phút thì mở ra xem bánh đặc lại chưa, cho tiếp thêm một lớp bột nữa vào khoảng 1cm rồi hấp tiếp cho đến khi bánh chín. Lấy bánh ra để nguội khoảng 3 phút, cắt thành miếng nhỏ vừa ăn.
Tôm khô cho vào nước ấm ngâm khoảng 30 phút cho tôm mềm ra, sau đó rửa sạch, để ráo. Thịt xay nhuyễn bạn đem ướp theo khẩu vị, sau đó để thịt khoảng 15 phút cho ngấm. Hành tím và tỏi băm nhuyễn, nấm mèo thái sợi, sau đó bắc chảo lên bếp đun nóng, khi dầu già bạn cho tỏi và hành tím vào phi thơm, rồi tiếp tục cho thịt vào xào đến khi gần chín thì đổ tôm khô và nấm mèo vào đảo đều tay, nêm nếm lại gia vị và tắt bếp.
Pha 1 muỗng canh nước + 1 muỗng cà phê dấm + 3 muỗng cà phê đường + 4 muỗng cà phê nước mắm khuấy đều trong chén. Tiếp theo cho ớt, tỏi băm nhuyễn và cà rốt xắt sợi vào khuấy đều. Nêm nếm lại nước chấm cho vừa ăn. Cắt bánh đúc ra thành miếng vừa ăn, sau đó cho một ít nhân bánh để lên trên, chan nước mắm vào và dùng ngay khi bánh còn nóng hổi.
4- Bánh ít
Bánh ít nhân đậu xanh và nhân dừa là món bánh truyền thống thơm ngon và khá thân thuộc đối với bất kỳ gia đình nào ở miền Tây. Với các nguyên liệu dễ tìm cùng công thức đơn giản. Bánh ít sau khi hoàn thành rất hấp dẫn, vỏ bánh dai dai, mềm mềm, nhân bên trong thì ngọt thanh kết hợp với vị béo của dừa và vị bùi bùi của đậu phộng rang rất là ngon.
Nguyên liệu: Bột nếp 250 gr, dừa nạo 150 gr, đậu phộng rang 50 gr, đường, muối, bột năng 1 muỗng cà phê
Cách làm:
Cho 150 ml nước và 100 gr đường vào nồi lắc nhẹ và bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ. Đợi đến khi nước đường chuyển sang màu vàng. Cho 250 gr bột nếp vào 1 cái thố, cho tiếp 2 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê muối trộn đều. Tiếp đến bạn cho nước ấm từ từ vào và trộn đều. Cho thêm bột nếp khô vào thố bột và dùng tay nhào bột cho đến khi bột dẻo, mịn, không dính tay là được.
Khi nước đường đang nấu chuyển sang màu hơi vàng, cho 150 gr dừa nạo vào. Đảo đều tay đến khi dừa dẻo, có màu vàng cho tiếp 50 gr đậu phụng rang, giã dập vào trộn đều. Tiếp đến hòa tan 1 muỗng cà phê bột năng với 3 muỗng canh nước và cho vào nồi nhân đang sên. Bạn tiếp tục đảo đều cho đến khi phần nhân dẻo lại, bạn tắt bếp và cho nhân ra dĩa cho nguội.
Lá chuối rửa sạch, để ráo và cắt lá chuối thành hình chữ nhật có chiều rộng khoảng 15 cm, chiều dài là bề rộng của lá. Lấy 2 lá úp phần mặt lá nhẵn vào với nhau theo hình chữ thập, tiếp đó gấp chéo lá lại vuốt thành 1 đường thẳng, sau đó cầm vào phần giữa của lá và gấp lá lại thành hình tam giác, 1 mặt lật về phía sau, mặt còn lại gập về phía trước. Mở lá đã gấp ra thành hình phễu và gói bánh.
Xếp bánh vào giá, hấp trong vòng 25 – 30 phút.
5- Bánh rán vừng
Bánh rán là món ăn vặt phổ biến ở nước ta. Thường ta thấy có 3 loại là bánh rán bọc đường, bánh rán mật và bánh rán vừng. Thật sự không khó để mua được loại bánh này, các bạn có thể thấy khu chợ nào cũng có những người bán bánh rán thậm chí là những quán hàng rong.
Nguyên liệu:
Bột nếp: 200g, bột tẻ: 8g, nước: 100g, đường: 60g,1 củ khoai tây luộc chín, nghiền nát. Dầu ăn, muối, vừng, đỗ xanh đã đãi vỏ: 100g, đường, muối, dừa nạo: 50g.
Cách làm:
Bước 1: Cho đường và muối vào nước ấm, khuấy tan. Sau đó cho các loại bột vào trộn đều. Cho khoai tây vào nhào cùng bột. Đem đi ủ trong khoảng 1-2 tiếng. Trong lúc này thì chuẩn bị nhân.
– Bước 2: Ngâm đậu xanh trong nước ấm.
– Bước 3: Giã mịn đậu xanh. Đem đậu xanh đi hấp chín, giã mịn. Cho ít nước vào nồi, đổ đường và ít muối vào khuấy đều, nước đường sôi cho đậu xanh vào đảo, để lửa nhỏ. Vừa đun vừa đảo đều tay. Đảo được một lúc cho tiếp dừa nạo nhỏ vào xào cùng thêm 10 phút nữa là nhấc nồi ra.
– Bước 4 : Chia đỗ xanh thành từng viên nhỏ đều nhau
– Bước 5:Bột sau khi ủ xong đem ra chia thành từng miếng nhỏ đều nhau. Cho nhân vào giữa, gói lại.
– Bước 6: Lăn bánh với vừng.
– Bước 7: Rán bánh. Đổ dầu vào chảo có lòng chảo sâu, đun sôi rồi thả bột vào chiên vàng. Chiếc bánh rán đạt yêu cầu cần phải đáp ứng các tiêu chí sau: vỏ bánh giòn tan, thơm mùi vừng, nhân đậu xanh không bị khô, ngọt vừa phải.
Dương Huế – Mytop.vn
Bình luận